1. Gap Year là gì?

Gap year, theo cách hiểu thông dụng nhất, là một năm sau khi tốt nghiệp cấp 3 mà các bạn trẻ không đi học, thay vào đó tập trung phát triển và khám phá những mặt khác của bản thân, trước khi tiếp tục đi học đại học. Ngoài ra, các bạn mới tốt nghiệp đại học cũng có thể dành ra một năm gap year trước khi đi làm hoặc học tiếp lên cao học. Trong một số trường hợp, các bạn trẻ đang đi làm cũng có thể xin bảo lưu công việc để dành ra một năm tập trung cho những khía cạnh khác của bản thân - khái niệm này thường được gọi là “sabbatical year.” Các khái niệm này đều rất quen thuộc với học sinh phương Tây, và đang dần được biết đến rộng rãi hơn ở các nước châu Á.

2. Tại sao lại chọn Gap Year?

Mục đích đầu tiên của việc dành ra một năm gap year với các bạn học sinh tốt nghiệp cấp 3 là để có một khoảng thời gian thư giãn đầu óc sau 12 năm miệt mài học tập. Tiếp theo đó, thời gian gap year còn là cơ hội cho các bạn trẻ tiếp xúc, cọ xát với xã hội đời thực. Gap year cũng là lúc các bạn có thể đào sâu trải nghiệm và khám phá các sở thích của mình. Trong khi còn đi học phổ thông, cho dù bạn có năng động tham gia các hoạt động ngoại khoá đến cỡ nào thì những trải nghiệm đó cũng không thể nào bằng được việc tham gia các hoạt động toàn thời gian.

Thêm vào đó, một số nghiên cứu cho thấy đa số các bạn trẻ có gap year có kết quả học tập ở đại học tốt hơn các bạn cùng lứa không có gap year. Ngoài ra, các bạn cũng có nhận thức tốt hơn về ngành nghề mình muốn theo học do đã có kinh nghiệm sống thực tế, dẫn đến việc các bạn ít đổi ngành giữa chừng khi đang học đại học hơn.

Hơn thế nữa, đây là một trong số ít những cơ hội bạn có thể gap year trong cuộc đời. Khi bạn đã đi học, đi làm, có gia đình, bạn có thêm nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ, thì cơ hội để bỏ ra một năm rong ruổi là gần như không có. Ngoài ra, do đặc thù của việc du học sinh cần có hỗ trợ visa để ở lại Mỹ đi học/làm, cơ hội gap year sau khi tốt nghiệp đại học hoặc sabbatical year khi bạn đang đi làm ở Mỹ là rất khó, vì vậy gap year sau khi tốt nghiệp cấp 3 là cơ hội tốt hơn cả.

Thực tế thì ở Việt Nam nhiều bạn chọn gap year là do muốn cải thiện kết quả tuyển sinh đại học Mỹ của mình. Có thể do bạn quyết định đi Mỹ quá muộn, hoạt động ngoại khoá của bạn chưa được như ý, hay điểm IELTS/TOEFL/SAT/ACT của bạn không được cao, mà bạn chưa được nhận vào các trường đại học mình mong muốn hoặc được cho mức học bổng phù hợp với điều kiện của gia đình. Trong trường hợp này, các bạn sẽ dành ra một năm để học thi, hoạt động ngoại khoá, và duyệt lại danh sách trường của mình nhằm có một đợt nộp hồ sơ thành công hơn.

3. Làm gì trong Gap Year?

Theo như topuniversities.com thì có 4 loại hình gap year chính là đi làm, đi làm tình nguyện, đi du lịch và đi học [2]. Mình khá đồng tình với cách chia này, và sẽ giải thích từng loại một ở dưới đây.

- Đi làm: Do bạn mới chỉ tốt nghiệp cấp 3, bạn sẽ phải chấp nhận đi làm thực tập (internship), bán thời gian (part-time) hoặc các công việc chân tay không quá yêu cầu bằng cấp. Bạn cũng có thể làm một số công việc yêu cầu kỹ năng đặc thù nếu bạn có thể đáp ứng được, ví dụ như lập trình, thiết kế đồ hoạ, chỉnh sửa ảnh, etc. Mục tiêu của việc đi làm là rèn luyện, cọ xát với môi trường làm việc thực tế; phát triển những kỹ năng làm việc chuyên nghiệp; khám phá một ngành nghề đặc thù; và xây dựng mạng lưới quan hệ của mình.

- Đi làm tình nguyện: Một trong những lựa chọn phổ biến của các bạn trẻ trên thế giới, mục đích chính của việc đi làm tình nguyện là đóng góp cho cộng đồng, đi đến những vùng đất mới, và xây dựng mạng lưới quan hệ của mình.

- Đi du lịch: Một số bạn sẽ dành cả năm đi du lịch, khám phá những đất nước và nền văn hoá mới, hoặc chỉ tập trung đi tất cả các vùng miền của tổ quốc để tìm hiểu cặn kẽ về quê hương mình.

- Đi học: Nếu như bạn có một môn học yêu thích muốn học thêm, một kỹ năng mới bạn chưa có thời gian tập trung phát triển, hay đơn giản là học một ngôn ngữ thứ 3, bạn có thể dành 1 năm để học và rèn luyện. Ngoài ra, bạn cũng có thể dành thời gian học và thi các bài thi chuẩn hoá nếu như mục tiêu của bạn là cải thiện kết quả tuyển sinh đại học Mỹ của mình.

- Kết hợp: không phải ai cũng dành cả một năm chỉ làm một thứ. Trong quá trình đi du lịch, bạn cũng có thể làm việc hoặc học online. Khi đi làm tình nguyện, rất có thể bạn sẽ kết hợp được việc khám phá những địa điểm mới. Bạn cũng có thể làm việc và học bán thời gian, sau đó đi làm tình nguyện vào cuối tuần. Tóm lại, điều quan trọng ở đây không chỉ là bạn làm gì trong gap year của bạn, mà là bạn có kế hoạch cho những điều bạn muốn làm.

4. Khi nào bạn nên chọn Gap Year?

- Bạn muốn cải thiện kết quả tuyển sinh đại học Mỹ của mình. Như mình đã giải thích ở trên mục "2. Tại sao lại chọn gap year?" thì đây là lý do gap year của nhiều bạn học sinh Việt Nam, và là một lý do hoàn toàn chính đáng và hợp lý.

- Bạn đã được nhận vào trường bạn muốn ở Mỹ, và trường cho phép bạn bảo lưu kết quả tuyển sinh 1 năm. Một số trường đại học ở Mỹ còn có chương trình 1+4 để giúp bạn gap year trước khi nhập học.

- Điều kiện của gia đình bạn cho phép. Điều này đặc biệt cần thiết cho các bạn muốn đi du lịch trong năm gap year của mình, bởi nếu bạn muốn đi du lịch nước ngoài hoặc đi trong nước nhưng không kết hợp đi làm thì bạn sẽ cần có nhiều tài chính.

- Bạn là người năng động, chủ động, có kế hoạch. Bạn cần phải vẽ ra được một kế hoạch và mục đích rõ ràng cho năm gap year của mình.

5. Khi nào bạn không nên chọn Gap Year?

- Bạn đã được nhận vào trường bạn muốn ở Mỹ, nhưng trường không cho phép bạn bảo lưu kết quả tuyển sinh 1 năm. Mặc dù trường hợp này khá hi hữu, nhưng nếu như nó xảy ra với bạn thì bạn nên đi học và tìm cơ hội làm thực tập (internship) hoặc học 1 kỳ học ở nước khác nếu trường bạn có chương trình đó.

- Điều kiện của gia đình bạn không cho phép. Có thể là tài chính của nhà bạn không được dư dả; hoặc nhà bạn có người ốm đau, bệnh tật. Trong những trường hợp này, mình nghĩ tốt hơn hết là bạn tập trung đi học thật tốt để tận dụng hết sự nỗ lực đóng góp của gia đình.

- Bạn không muốn bị học chậm so với bạn cùng lứa. Lý do này nghe có vẻ hơi đơn giản, nhưng thực sự đó là một rào cản tâm lý không phải ai cũng vượt qua được. Cảnh tượng bạn mình đã tốt nghiệp ra trường và đang đi làm trong khi bạn vẫn cặm cụi đèn sách có thể là một viễn cảnh không mấy thoải mái cho nhiều bạn. Cá nhân mình thì cho rằng mỗi người có một con đường riêng, và đừng so đo với người khác mà hãy tập trung vào con đường của chính mình. Tuy nhiên, mình rất tôn trọng quan điểm của từng người, nên nếu bạn muốn tốt nghiệp cùng với bạn bè của mình thì hãy đi học luôn.

- Bạn không có kế hoạch cụ thể cho gap year của mình. Bạn chỉ đơn giản nghĩ là nó cool. Vâng, các blog và vlog trên YouTube có thể khiến bạn cảm thấy đây sẽ là đơn giản một chuyến đi chơi kỳ thú, một kỳ nghỉ dài hạn. Tuy nhiên, nếu bạn không có mục tiêu và kế hoạch cho gap year của mình, kể cả là bạn chỉ muốn đi du lịch đi chăng nữa, thì nó sẽ nhanh chóng biến thành một năm lãng phí vô nghĩa. Nếu bạn không nghiêm túc nhìn nhận gap year như là một cơ hội phát triển bản thân, thì có lẽ bạn nên tự nhìn nhận lại khả năng sống sót của bạn khi đi học ở Mỹ cơ.

------------------------------------

Đăng ký tham gia chương trình 7Edu Talent để được nhận gói hỗ trợ săn học bổng hoàn toàn FREE.

=> ĐĂNG KÝ 7EDU TALENT

=> Quyền Lợi Của Thành Viên 7Edu

 

Những con số ấn tượng của 7EDU trong những năm qua:

• Học bổng cao nhất: 100% toàn khóa (học phí + sinh hoạt phí)

• Tỷ lệ visa du học thành công: 99.99%

• Tỷ lệ sinh viên hài lòng với khóa học + trường đã chọn: 99%

• Mức lương khởi điểm cao nhất của sinh viên $85,000/ năm

TÌM KIẾM HỌC BỔNG PHÙ HỢP VỚI BẠN?

7EDU hỗ trợ chuyên sâu từng vòng nộp học bổng và visa du học tại các nước với phí dịch vụ 0Đ tại hơn 500 trường đối tác.

  • (+84) 969 776 298
  • info@7edu.vn
  • (+84) 971 935 680